Lê Gia giới thiệu bài viết của thành viên LG - Lê Đỗ Như Hoài
Có lẽ sẽ đến một ngày, ta không còn chạy theo những điều phù phiếm, mà chỉ lặng lẽ ngồi trong nhà và thở ra nhẹ nhõm một nỗi bình yên. Rốt cuộc cũng chỉ là những chuỗi ngày va vấp giữa yêu ghét, được mất… Thế nhưng, giữa những đổi thay chóng mặt, vẫn còn đó một điều không bao giờ nên đánh mất ấy là lòng nhân hậu và sự thấu cảm dành cho nhau. Người với người gặp nhau đã là duyên, hiểu nhau đã là phúc, còn thương nhau được bao lâu
lại là tùy tâm. Vậy nên, sống giữa thế gian rộng lớn, điều đáng quý nhất không phải là ta giỏi giang đến đâu, mà là ta có thể đối xử dịu dàng với nhau đến mức nào…Để trách làm chi đời trái ngang đen bạc; Ghét hay thương cũng tạc dạ ghi lòng; Để kiếp này ta chẳng phải long đong; Khi buông bỏ…Thong dong không sân hận…!
Trong mỗi người đều có một nơi tìm về yêu thương đó là gia đình. Ở đó, dù cuộc sống có trải qua bao sóng gió, đua chen, thì vẫn là chốn bình yên trong trái tim mỗi người. Trong một gia đình, chúng ta học được cách yêu thương, sự chăm sóc lẫn nhau cũng như việc đối nhân xử thế. Dù cho cuộc đời có nhiều sóng gió, gian truân, thì gia đình luôn là nơi níu giữ những điều tốt đẹp và những tình yêu thương trọn vẹn. Ở nơi đó có sự quan tâm, lo lắng lẫn nhau, có lòng bao dung, sự ân cần vô điều kiện và cùng nhau vượt qua những thử thách cuộc sống. Ngoài xã hội dù có nhiều sóng gió… thì khi quay về gia đình luôn là bến bờ bình yên, gia đình sẽ là điểm tựa giúp cho ta tiếp tục đứng vững, vươn lên.
Tuy nhiên, cuộc sống bận rộn đôi khi làm chúng ta xao lãng đi những bổn phận, trách nhiệm đối với gia đình. Trong khó khăn, chúng ta lại càng trân quý hơn tình cảm gia đình. Có lúc ta nên suy ngẫm về giá trị của gia đình. Một gia đình đầm ấm chính là một nền tảng vững chắc, tình cảm gia đình là thứ tình cảm thiêng liêng, vượt qua tất cả những rào cản. Khi mọi thứ trở nên tồi tệ, thì gia đình chính là “người bạn tâm giao” luôn ở bên cạnh bạn, giúp đỡ bạn mà không hề do dự. Gia đình chính là nơi ngự trị của bình yên, nơi mà các thành viên được gắn kết bằng tình yêu thương. Những lúc mệt nhoài trên đường đời, bước chân lại thúc giục chúng ta quay về bên gia đình, để cảm nhận một chốn nương náu bình yên, cảm nhận được sự ấm áp, sự vỗ về và an ủi, là nơi tình thân được nâng niu, nuôi dưỡng mỗi ngày. Ta có thể bỏ quên những lo lắng, tất bật bên ngoài cánh cửa để bước vào trạm dừng chân yên bình, đó chính là gia đình. Dù chỉ một ánh mắt an ủi, một cái nắm tay đúng lúc, cũng đủ làm dịu đi những ngày giông gió. Khả dĩ con người ai cũng có thân xác, đó là cơ sở vật chất để sự sống tồn tại. Thân xác đó không thể tự ta mà có, nó có là do cha mẹ di truyền, đến lượt ta, ta lại trao truyền sự sống cho con, thành ra sự sống là một dòng tồn tục. Khi ta sống là cha mẹ ta đang sống. Khi ta chết ta vẫn còn sống nơi con ta, cháu ta. Sinh huyết chảy mãi không ngừng từ vô thuỷ đến vô chung. Trân trọng sự sống, bảo tồn thân xác là bổn phận, là nhiệm vụ của con người vì thân xác đó không phải của riêng ta. Thân xác đó là của người trước, thân xác đó là của người sau. Thế nên sống là tri ân, sống là hoài niệm, sống là phải biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã cho ta sự sống.
Chính vì lẽ đó! tùy hoàn cảnh từng nhà để biểu hiện của lòng hiếu thảo và nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và nhớ về cội nguồn của mình. Việc thờ cúng tổ tiên để mách bảo con cháu về ý thức giữ gìn đạo lý, nề nếp gia phong, sống tình nghĩa thủy chung, tu thân, hướng thiện. Xuất phát từ những tình cảm thiêng liêng đó. Việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh nhật, ngày tân gia, ngày lên chức… không quan trọng và ý nghĩa bằng ngày giỗ của người thân. Dù gia đình nghèo cũng phải làm mâm cơm, thắp hương cúng bái, mời vài người thân đến tham dự. Thật vậy, người con hiếu thảo phải biết ơn công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ và để tỏ lòng hiếu lễ với cha mẹ thì phải biết ơn Tổ tiên, ông bà đã khuất. Con người ta phải có tổ tiên mới có các thế hệ hôm nay. Con cháu không nhớ đến công ơn tổ tiên, chính là quên mất nguồn gốc bao đời của mình. Ngày giỗ lại càng có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực hơn bao giờ hết, giúp con cháu thể hiện lòng biết ơn, hiếu thảo, có ý thức học tập tấm gương, đạo đức, nhân cách trong sáng, tinh thần lao động cần cù, vượt khó của cha ông, động viên con cháu cố gắng khắc phục những hạn chế, thiếu sót và nỗ lực phấn đấu để ngày càng hoàn thiện nhân cách. Ngày giỗ còn là cơ hội để giữ gìn, củng cố và phát triển mối quan hệ họ hàng, anh em cùng dòng họ. Từ đó làm gắn bó thêm các mối quan hệ chú bác, cô dì, cậu, mợ, anh em con cháu nội, ngoại. Cũng là dịp để tập hợp đầy đủ họ hàng, thân thích gần xa, cùng ôn lại những kỷ niệm của người đã khuất, gặp gỡ trò chuyện cùng nhau, trước là để cúng bái tổ tiên, sau là để chuyện trò, thăm hỏi, chia sẻ vui buồn, khó khăn và tìm cách giúp đỡ lẫn nhau, để cảm nhận một chốn nương náu bình yên, cảm nhận được sự ấm áp, sự vỗ về và an ủi./.
FB: Lê Hoài