Cỏ xanh vẫn mãi yêu đời
Ngày cập nhật: 20/4/2022

Bài viết của tác giả ĐInh Như Hoan, Cựu sinh viên Văn K7- Đại học Tổng hợp Huế, hiện là Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, giới thiệu tập thơ "Yêu người quanh ta" của Lê Đức Hoàng

     Cùng là người Quảng Trị và cùng lứa sinh viên K7 (1983–1987) của Đại học Tổng hợp Huế, tôi học khoa Văn còn Hoàng theo ngành Ngoại ngữ. Ra trường, chúng tôi túa đi khắp nơi tìm việc, rồi lại lục tục kéo nhau về quê khi  tỉnh Quảng Trị tái lập. Mỗi đứa một nghề, tỉnh mới bộn bề khó khăn nên đứa nào cũng quần quật làm việc, ít có điều kiện gặp nhau.

           Một lần gặp Hoàng đang dẫn nhóm đối tác nước ngoài đến vùng DMZ vĩ tuyến 17 triển khai dự án hỗ trợ sinh kế người dân. Các vị khách tỏ ra khá thú vị khi nghe Hoàng giới thiệu về vùng đất này, tường tận như một chuyên gia.  Từ những sự kiện lịch sử, đến địa chất thổ nhưỡng rồi văn hóa phong tục bản địa… Còn tôi thật sự bất ngờ bởi khả năng diễn thuyết bằng tiếng Anh của bạn, vì sở trường của Hoàng hồi đại học là chuyên ngành tiếng Nga.

         Bẵng đi nhiều năm, trong giờ giải lao một cuộc hội thảo lớn ở Hà Nội, có vị chuyên gia quốc tế đã khiến mọi người kinh ngạc khi kể rằng ở nhiều làng quê phía nam sông Bến Hải, đồ chơi quen thuộc của  bọn trẻ con là những viên đạn súng trường, súng tiểu liên, thậm chí là bom bi hoặc trái pháo chưa nổ, những thứ rất dễ tìm thấy ở mỗi bờ ruộng, lùm cây.  Ông kể câu chuyện ấy khi nói về nhu cầu sân chơi cho trẻ em vùng chiến trường xưa ở Việt Nam và cho biết được nghe từ một người bạn Quảng Trị, tên Hoàng. Chẳng cần phải hỏi Hoàng nào, tôi biết chắc đó là bạn tôi. Bởi tôi tin chỉ có Hoàng mới kể được nhiều câu chuyện độc đáo, lạ lùng chỉ có ở những vùng như Quảng Trị mà thôi. Người ta hay gọi Quảng Trị là chiến trường xưa, nhưng với nhiều người dân địa phương, chiến tranh vẫn chưa xưa chút nào, hãy còn đeo bám, truy đuổi họ. Bởi mãi đến những năm 1990 nhiều nơi vẫn còn lổn nhổn bom mìn sót lại. Người đi lấy củi giẫm phải mìn: nổ! Trẻ em lấy bom bi ném chơi: nổ! Trâu bò gặm cỏ, vướng phải mìn: nổ! Thậm chí gió Lào nắng nóng quá cũng nổ! Tai nạn bom mìn xảy ra như cơm bữa và trở thành đề tài nóng tại nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế.

         Còn Hoàng, sau mấy năm làm hướng dẫn viên cho DMZ tour, và “người kể chuyện miền đất lửa” đã trở thành điều phối viên của nhiều dự án liên quan sinh kế cho người nghèo vùng chiến trường xưa như Chương trình Phát triển Nông thôn Quảng Trị của Phần Lan (QTRDP), Chương trình Cứu trợ trẻ em (SC) về khắc phục hậu quả bão lụt và phục hồi sinh kế cho người dân ở một số  tỉnh miền Trung, Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh Bắc Trung bộ giúp đỡ  người nghèo, người cận nghèo … Từ đó đến nay, hơn ba chục năm lăn lộn cùng các dự án, chương trình dân sinh, Hoàng như thuộc lòng mọi ngõ ngách quê nhà và cũng tường tận những khó khăn mà người dân quê đang phải vật lộn. Có lẽ những trải nghiệm ấy tích tụ lâu dần hóa thành máu trong Hoàng nên mỗi câu chuyện, mỗi diễn giải trước đối tác dự án cũng trở nên có hồn. Vậy nên ở khía cạnh nào đó, Hoàng là một cây cầu đã nối thành công nhiều cơ hội cải thiện sinh kế cho bà con vùng chiến trường xưa Quảng Trị.

         Cách đây 5 năm, tôi nhận được tập tản văn “Đa chiều của thời gian” và Hoàng lại làm tôi bất ngờ. Cũng phải thôi, Hoàng vốn là học sinh chuyên văn trường Hai Bà Trưng (Huế) của tỉnh Bình Trị Thiên, từng đạt giải toàn quốc năm 1983. “Đa chiều của thời gian” cho thấy Hoàng rất biết tìm và lọc ra những chi tiết độc đáo, những chiêm nghiệm sâu sắc ở nhiều nơi, trong nhiều hoàn cảnh, với giọng văn giàu cảm xúc và ẩn nhiều ý tứ. Thí dụ cách Hoàng nhìn thời gian như một thể sinh thực. Có khi vui bất tận, có khi buồn miên man. Cũng giận hờn, cũng sầu bi. Cũng chói chang khi cười như ngày nắng và cũng biết trào nước mắt khi buồn như ngày mưa… Đọc văn của Hoàng, người ta dễ liên tưởng đến cảm xúc của một người làm thơ.

      Và Hoàng làm thơ thật. Cầm tập bản thảo “Yêu người quanh ta khi Hà Nội đang những ngày giãn cách, phố xá vắng hoe khiến tôi cảm giác như được đón một người bạn thân từ quê ra thăm. Điều khiến tôi tò mò trước hết là Hoàng tỏ ra dè dặt khi nói về thơ của mình. Trong đời làm báo, tôi chưa thấy có ai gửi bài đến tòa soạn rồi hết lời… tự chê.  Sự khiêm tốn không chỉ ở trong tin nhắn gửi cho tôi. Hoàng dặn tôi đừng coi đây là một tập thơ mà chỉ là những câu chiêm nghiệm của một đời người sau hơn 50 năm nổi chìm cùng bao đắng cay ngọt bùi. Sự khiêm tốn “quyết liệt” đến mức mà ngay trong tác phẩm, Hoàng cũng sẵn sàng đứng về phe phản biện để thẳng thừng với thơ của mình:

Đêm qua tôi lại nằm mơ

Người ta bàn tán về thơ của mình

Kẻ thì: “hắn viết linh tinh”

Người kêu:” thơ hắn như đinh đóng chày”…

                                                                            (Bình thơ)

     Rồi bộc bạch, hài hước kể về chuyện làm thơ như chơi của mình rằng:

Đôi khi rất đỗi xui hên

Đôi khi say tỉnh, xuống lên lạ lùng

Đôi khi cứ viết lung tung

Rồi thành thơ để làm chùng lòng em

                                                                            (Đời thơ)

     Có lẽ Hoàng không muốn người đọc để ý quá nhiều vào câu chữ, vần điệu, thứ mà giới làm thơ xưa nay đều ra sức dụng công, tỉa tót. Bởi cái Hoàng muốn nói là những cảm xúc của anh trước cuộc sống, cái bình thản của một tâm hồn đã qua quá nhiều cung bậc. Thế hệ 6X ở vùng đất Quảng Trị như chúng tôi đều trải qua những năm tháng tuổi thơ dữ dội. Có lẽ đứa nào cũng mang theo mình một vết sẹo từ thời chiến tranh. Vết sẹo của chia cắt, của mất mát, của loạn ly trong mỗi cảnh đời. Nó không giống vết thương của người lính, vậy nên nỗi đau cũng không giống họ. Với Hoàng cũng thế.

“Đã từng một thuở phai phôi…

Đã từng có một đời người lấm lem…”

                                                                     (Đã từng)

       Thế hệ chúng tôi, có ai không từng qua một thời “lấm lem” như thế? Nhà Hoàng nghèo, bom đạn bủa vây nhưng cha mẹ Hoàng đã làm được điều kỳ diệu nhất của những người làm cha làm mẹ là bế ẵm nguyên vẹn cả chín đứa con về đến ngày hòa bình. Ký ức về người cha trong cơn binh loạn để thất lạc đứa em, thành người Bắc kẻ Nam đằng đẵng mấy chục năm trời, hay bóng mẹ liêu xiêu ngõ chợ, tảo tần khuya sớm đong từng bữa ăn nuôi cả  đàn con vẫn luôn hiển hiện qua từng tháng, từng năm trong tâm trí Hoàng. Bởi vậy, trong thơ Hoàng nói nhiều và rất nhiều về yêu thương:

Yêu người từ thuở long đong

Yêu người từ thuở gánh gồng mẹ cha

                                                                              (Yêu người)

Hoặc:

Mỗi một số phận như một cuốn sách mở ra với bao điều mới lạ

Có những kết thân làm ta ấm lên trong những ngày đông băng giá

Có những ân tình khiến ta đau đớn khi phải rời xa

Phải yêu người đang ở quanh ta…

                                                                    (Yêu người quanh ta)

          Đọc thơ Hoàng, ta nhận rõ một con người đã trải tận cùng những cảm xúc, nhưng lại không “nhìn” được cụ thể cảm xúc như thế nào, cứ như để mỗi người tự hình dung, mường tượng. Như lúc Hoàng nhắc đến những ký ức buồn, rất riêng tư, điều mà ở đời không ít người đã gặp, tưởng đã quên nhưng vẫn thoáng vấn vương:

Mỗi lần nhìn thấy trầu cau

Là tôi lại thấy nỗi đau tràn trề

                                                                                (Đớn đau)

        Và trong khi diễn giải cảm xúc, thơ Hoàng thường nghiêng về sự chiêm nghiệm lẽ đời. Và qua những chiêm nghiệm đó, người đọc nhận ra một Hoàng rất thiện tính, vị tha:

Chỉ cần dẹp bỏ lòng tham

Cuộc đời sẽ bớt gian nan bận lòng

Chỉ cần nhẹ tựa như bông

Cuộc đời sẽ bớt cân đong, phân bì

Chỉ cần dẹp bỏ sân si

An nhiên sẽ đến, cho đi sẽ nhiều

                                                                 (Thiện ngộ)

          Hoặc:

Dẫu còn nón lá áo thưa

Dẫu còn vất vả còn chưa nguôi phiền

Dẫu còn mưa dột ngoài hiên

Lòng ta vẫn cứ an nhiên tin đời

                                                                           (Tự tại)

          Hồi còn ở Quảng Trị, có lần tôi đã khuyên Hoàng một cách nghiêm túc về việc nên chuyển sang nghề báo, nhưng Hoàng lắc đầu.  Giờ thì  tôi nhận ra lý do mà ngày đó Hoàng không muốn xa công việc đang làm. Chẳng phải vì thu nhập, chẳng phải vì địa vị. Cái hấp dẫn Hoàng chính là cơ hội được về với nhiều làng quê nghèo khó, được gặp những cảnh đời gian nan… Và có lẽ ở đó Hoàng nhìn thấy mình từ trong kí ức. Nhưng không phải để bi lụy, khóc than hay oán hận mà là sự chia sẻ và an nhiên. Khi tôi viết những dòng này, đại dịch Covid 19 đang càn quét qua nhiều tỉnh, thành phố. Hàng vạn người chết, hàng triệu gia đình điêu linh, hàng nghìn đứa trẻ mồ côi, đói khổ, tiếng than thấu tận trời xanh… Nhưng hãy nghe Hoàng nhắn nhủ:

Sài Gòn rồi sẽ lại rộn ràng với những đường phố thênh thang

Sẽ nhớ cái tĩnh lặng đến mênh mang trong những ngày giãn cách

Nhớ tình yêu chưa bao giờ dứt mạch

Của những đoàn xe nặng nghĩa ân tình

Sài Gòn nhất định sẽ đón ánh bình minh

Sẽ lung linh, hào sảng và yên bình

                                                               (Sài Gòn ơi cố lên)

     Đi qua hơn nửa thế kỷ cuộc đời cùng những bão giông, giờ ở độ “tri thiên mệnh”, Hoàng nhìn vạn vật bằng con mắt của người đã thấu tỏ nguyên căn. Bởi thế trong thơ Hoàng, có những câu mộc mạc, chân thành nhưng lại như một lời tuyên ngôn, ví dụ khi nói về thân phận loài cỏ:

Ung dung và tự tại

Vô tư ngắm mặt trời

Mặc xéo giày tả tơi

Cỏ vẫn mãi yêu đời

                                                  (Phận cỏ)

        Tôi nhớ nhà thơ Trần Đăng Khoa có nói về một “loại thơ” mà những câu thơ không phải viết bằng mắt, bằng tai, bằng các giác quan tinh vi hay tài nghệ quan sát. Nó là những câu thơ chiêm nghiệm, có khi phải viết bằng cả cuộc đời. Vậy thì thơ của Lê Đức Hoàng hẳn thuộc loại này rồi.

 

Hà Nội, 10/2021

Đinh Như Hoan