Tản mạn về hai chữ “Biết ơn!”
Ngày cập nhật:

Trong vòng một tháng qua, chúng tôi đã có hai lần ngồi lại (anh em, chú cháu, nội ngoại) với những người bạn, những đồng nghiệp của Chú Đệ và Thím Bé bên những bàn tiệc xin tạm được gọi là “bàn tiệc tri ân”. Tôi đã viết bài “Tình thân” để thay lời muốn nói và muốn post lên trang web Lê Gia để chia sẻ và lưu lại những giá trị này

Có đôi khi không máu mủ ruột rà,
Mà lại thương nhau như người một nhà và hơn thế,
Để giải thích ra đôi khi không phải dễ,
Chỉ có thể là cảm nhận được thôi …,
Dẫu không được lớn lên cùng một vành nôi,
Nhưng yêu thương thì thôi rồi khỏi nói,
Sẵn sàng bắc thang nhờ trăng cao vòi vọi,
Soi rọi vào đời thắp sáng nghĩa keo sơn …,
Là không màng ý nghĩa của thiệt- hơn,
Là không có bóng dáng của giận hờn, ganh ghét,
Là giản đơn vì một điều sống đẹp,
Đọng lại bên đời với hai chữ: tình thân !

Trên đời này, ngoài những chuyện muốn làm, ta nhất định còn phải gặp được những người khiến cho ta muốn trân trọng. Chính những người đó sẽ cho ta thấy ý nghĩa của cuộc sống, để ta thấy hạnh phúc và biết ơn nhiều hơn !


Không phải vì ta có hạnh phúc mà ta biết nhớ ơn, nhưng chính vì lòng biết ơn mà ta có được hạnh phúc . Biết ơn vừa là một đức tính tốt và vừa là một loại thái độ. Biết ơn là một phẩm chất cao quý, những người biết ơn sẽ có sự may mắn nhất định !

Hôm trước, tôi có nói chuyện với anh trai tôi và trong bài viết “ Báo hiếu” lần trước, tôi cũng đã có đề cập đến điều này. Hạnh phúc của một gia đình không phải chỉ là nuôi dạy con cái trở thành người vượt trội, xuất chúng mà là nuôi dạy chúng trở thành người có lòng biết ơn. Con cái có lòng biết ơn luôn mang đến cho cha mẹ sự động viên và cảm giác ấm áp. Nuôi nấng con cái trở thành người có lòng biết ơn, đó chính là hồng phúc của mỗi một gia đình !

Trong kinh Phật ghi chép lại, sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, đức Phật đã đứng yên một khoảng xa để chiêm bái cây bồ đề trong suốt một tuần. Có lẽ bài pháp đầu tiên đức Phật dạy cho cuộc đời chính là lòng biết ơn !

 Lê Đức Hoàng